Tranh cãi về nguy cơ sức khỏe Tấm lợp fibro xi măng

Tấm lợp fibro xi măng vẫn đang gây tranh cãi về mức độ độc hại đến con người do những ý kiến về nguy cơ của amiang với sức khỏe.

Thực tế tồn tại 2 nhóm sợi khoáng có tên chung thương mại là amiang, đó là nhóm amphibol (amiang nâu và xanh) và nhóm serpentil thường gọi là chryzotil (amiang trắng - AC). Trong đó, mức độ độc hại của nhóm amphibol bị xếp thứ 92 trong danh mục các chất gây độc hàng đầu (CERCLA) do Cơ quan thống kê các chất độc và các bệnh do chúng gây ra (ATSDR) của Hoa Kỳ công bố vào năm 2007. Còn amiang trắng xếp thứ 119 về mức độ độc hại. Hiện có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3/4 dân số thế giới cho phép sử dụng amiang trắng (AC) và các sản phẩm chứa amiang trắng.

Những nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng amiăng nâu và xanh có cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim và chu kỳ bán tiêu hủy chậm nên khi vào phổi sẽ gây ra các khối u, triệu chứng viêm. Sau 10 – 20 năm ủ bệnh, các khối u sẽ phát tác thành ung thư và các bệnh về phổi. Trong khi đó sợi amiăng trắng có dạng xoắn, xốp mềm khi thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ bị đào thải ra khỏi phổi từ 0,3 – 11 ngày hoặc bị phân huỷ bởi môi trường axit do các đại thực bào tạo ra.

Trong khi các đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các loại amiang đều có khả năng tiềm tàng gây ung thư ở người thì nhiều nghiên cứu khoa học tại Mỹ, Canada, các nước trong khối SNG, Braxin, Ấn Độ, Thái Lan… lại cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở nhóm công nhân tiếp xúc với amiang trắng không có khác biệt so với nhóm người không tiếp xúc.[5]

Tại Việt Nam, các nghiên cứu và theo dõi cũng đã được thực hiện để làm rõ về tính an toàn của loại vật liệu này. Trong 10 năm qua (2008-2019) Bệnh viện Xây dựng - Bộ Xây dựng đã triển khai chương trình khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động cho các đơn vị sản xuất tấm lợp fibro xi măng với các nội dung được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động. Kết quả hội chẩn 10 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng chrysotile.

Năm 2014 - 2016, Bệnh viện Xây dựng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Xây dựng: Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe người lao động tại các đơn vị sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng xi măng”. Đề tài đã tiến hành điều tra trên 2,459 công nhân làm việc trực tiếp tại 32 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng đang hoạt động trên toàn quốc và 100 công nhân sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã nghỉ hưu có tuổi nghề tiếp xúc trực tiếp trên 30 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Chưa phát hiện trường hợp công nhân nào có tổn thương bụi phổi amiăng và các tổn thương ác tính liên quan đến amiăng như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Không phát hiện ra trường hợp nào có tổn thương mảng màng phổi. Khảo sát môi trường tại 30 vị trí khu vực nhà dân xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang cho kết quả không phát hiện ra sợi amiăng trong các mẫu đo.[6][7]